Động lực nào để nông nghiệp tăng trưởng?

Đỗ Hương - baodientu.chinhphu.vn 12/2/2014 10:13:57 AM

Động lực trong tương lai của chúng ta là phải chuyển hẳn từ tài nguyên sang trí tuệ, chuyển hẳn từ các vật tư, các tài sản sẵn có như đất, nước, rừng, biển,… sang khai thác tài nguyên, quan trọng nhất là tài nguyên con người.

Đây là ý kiến của TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn về tăng trưởng ngành nông nghiệp. PV Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trò chuyện với ông xung quanh chủ đề này.

Theo ông, động lực góp phần vào tăng trưởng nông nghiệp thời gian qua là gì?

TS. Đặng Kim Sơn: Trong gần 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam duy trì ở mức tăng trưởng vào khoảng trung bình 3,5%/năm - thuộc loại rất cao ở châu Á và đặc biệt ở Đông Nam Á.

TS. Đặng Kim Sơn

Vấn đề an ninh lương thực cũng được giải quyết rất tốt. Việt Nam không những đủ cung cấp lương thực, thực phẩm cho 80-90 triệu dân, mà còn trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về một loạt nông sản. 7-8 loại nông sản có mức xuất khẩu trung bình hơn 1 tỷ USD/năm.

Ngoài ra, nông nghiệp phát triển đã tạo ra một nông thôn mới với bộ mặt hoàn toàn toàn thay đổi về điện, đường, trường, trạm, giao thông, nhà cửa,… cho nên xã hội ổn định và môi trường được bảo vệ khá tốt.

Đối với toàn thể đất nước, lương thực, thực phẩm rẻ đã tạo ra giá lao động rẻ ở mức độ cạnh tranh cao nhất trên thế giới. Lao động Việt Nam cần cù, sáng tạo và rẻ, cho nên dù nhiều điều kiện khác của nước ta thấp hơn so với các nước trong vùng, nhưng vẫn trở thành một trong những nước thu hút đầu tư nước ngoài vào mạnh nhất ở trong khu vực.

Động lực cho tăng trưởng này đến từ đâu? Nó chủ yếu đến từ việc khai thác rất mạnh mẽ các tài nguyên tự nhiên. Toàn bộ tài nguyên được khai thác góp phần tạo ra tăng trưởng, cộng với lực lượng lao động dồi dào, trẻ, khỏe của Việt Nam.

Tuy nhiên, các nguồn động lực đó đến nay đã đến mức giới hạn. Đã đến lúc chúng ta phải xem xét lại cung cách tăng trưởng, cơ cấu phát triển để có thể đảm bảo cho quá trình xây dựng công nghiệp hóa, đô thị hóa đất nước trong giai đoạn tới vững bền, hiệu quả hiơn.

Vậy theo ông, cần xem xét lại cung cách tăng trưởng khi mà ngành nông nghiệp đạt mức giới hạn như thế nào?

TS. Đặng Kim Sơn: Chính phủ mới ban hành đề án tái cơ cấu nền kinh tế hơn một năm nay và sau đó Bộ NN&PTNT cũng ban hành đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thời gian rất là ngắn để thay đổi lại về mô hình tăng trưởng và tiến hành tái cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế nông nghiệp.

Trong 63 tỉnh, thành thì mới có hơn 20 tỉnh, thành có đề án tái cơ cấu nông nghiệp đang được chuẩn bị. Và đề án tái cơ cấu nông nghiệp cũng không thể nào thực hiện  thành công nếu các ngành khác, cũng như toàn nền kinh tế chưa đi vào tái cơ cấu một cách triệt để.

Chính vì thế, những thành tích trong thời gian qua là tín hiệu cho thấy chúng ta đã đi đúng hướng. Một phần năm nay mưa thuận gió hòa, bệnh dịch năm nay được kiềm chế tốt; thị trường trên thế giới ở nhiều lĩnh vực bắt đầu cải thiện trở lại,… chính vì thế, tăng trưởng trong nông nghiệp bước đầu là khá tốt.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã thấy những chuyển biến mới, đặc biệt trong ngành nông nghiệp, kể cả ở phía địa phương trong việc bắt đầu tiến mạnh về tái cơ cấu nông nghiệp, nhất là việc xác định các ngành hàng chủ lực.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu. Động lực trong tương lai của chúng ta là phải chuyển hẳn từ tài nguyên sang trí tuệ, chuyển hẳn từ các vật tư, các tài sản sẵn có như đất, nước, rừng, biển,… sang khai thác tài nguyên, quan trọng nhất là tài nguyên con người.

Như vậy, chúng ta phải tập trung phát triển rất mạnh về khoa học công nghệ (KHCN), tập trung rất mạnh vào xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Đồng thời, làm rất tốt công tác tổ chức cán bộ, công tác đào tạo nguồn nhân lực; làm một bước thay đổi hết sức quan trọng trong việc cải tiến thể chế, bao gồm cả về tổ chức lẫn cơ chế, để tạo ra động lực mới cho cán bộ, cho nhân dân, cho doanh nhân.

Nông nghiệp Việt Nam duy trì ở mức tăng trưởng khoảng 3,5%/năm.

Theo ông, việc cải thiện được năng lực hấp thụ vốn cũng như công nghệ và kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò như thế nào trong quá trình tái cơ cấu toàn ngành?Đây không phải là công việc trong vòng 1-2 năm, thậm chí không phải là công việc trong 3-5 năm, mà đây là cả một bước thay đổi phải tiến hành trong hàng chục năm, nhưng mà chúng ta đã đi những bước đầu tiên hết sức quan trọng.

TS. Đặng Kim Sơn: Nói về khả năng tiếp thu của KHCN, nói về khả năng tiếp nhận và tham gia vào quá trình đổi mới,… là nói về năng lực của người nông dân và của những người buôn bán nhỏ.

Trước hết, chúng ta phải thấy rằng, quy mô sản xuất của chúng ta rất bé. Chính vì thế, đây là yếu tố cản trở cho việc áp dụng cơ giới hóa, cho việc xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, cho việc áp dụng KHCN một cách hiệu quả.

Thứ hai, thị trường lao động của chúng ta tuy tương đối thông thoáng, nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh.

Phần lớn lao động nông thôn khi ra đô thị vẫn là đi vào hoạt động trong các lĩnh vực phi chính thức, không ký hợp đồng dài hạn, không đóng bảo hiểm, không đóng thuế,… vì thế rất rủi ro, điều kiện làm việc khó khăn, lương thì thấp.

So với sản xuất nông nghiệp, thì thu nhập trong các lĩnh vực phi nông nghiệp (như làm xe ôm, thợ xây dựng, giúp việc nhà, vận chuyển hàng hóa ở đường biên,…) cao hơn, nhưng đây không phải là ngành nghề ổn định cho người lao động dài hạn, không phải những ngành có thể tạo ra cuộc sống và một tổ chức xã hội mới để người dân nông thôn chuyển sang đô thị hóa một cách hiệu quả.

Hơn nữa, tài nguyên quan trọng là lao động và đất đai chưa được khai thác hiệu quả nhất. Những điều đó ảnh hướng đến nhiều vấn đề khác nữa, ảnh hưởng đến cả đến đào tạo nghệ, thu hút vay vốn, ứng dụng KHCN,…

Với một nền tảng thấp như thế, chúng ta còn có rất nhiều việc phải làm, để thực sự đưa KHCN, đưa quản lý mới, nâng cao tài nguyên con người mới vào cho có hiệu quả hơn nữa.

Đây không chỉ là thách thức của ngành nông nghiệp, mà là của cả ngành y tế, giáo dục, văn hóa,… và cao hơn, cả hệ thống xã hội-kinh tế chung của chúng ta phải đổi mới.

Xin cảm ơn ông!

Bình luận

Viết bình luận:

Cùng chuyên mục

Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông

GPKD số: 2800142141
Địa chỉ: 274B Bà Triệu, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa
Điện thoại: 02373.729.729
Email: info@tiennong.vn
Website: www.tiennong.vn
Nhận thông tin từ chúng tôi
TOP