Ngành lúa gạo - Ham lượng mà quên chất

http://thoibaokinhdoanh.vn/ 1/13/2015 9:52:43 AM

Tái cơ cấu không thể hời hợt, làm qua loa mà phải thay đổi tư duy sản xuất, xuất khẩu, không chạy theo số lượng, cần tập trung nâng cao chất lượng… mới mong giúp ngành lúa gạo Việt cạnh tranh được với các thị trường truyền thống, cũng như thị trường mới nổi trên bản đồ xuất khẩu gạo thế giới hiện nay.

Mới đây, Viện Nghiên cứu và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đưa ra dự thảo Đề án Tái cấu trúc ngành lúa gạo. Tuy nhiên, song song với đó cũng là những yếu kém của ngành bộc lộ rõ, từ sự yếu kém về chất lượng con giống, liên kết vùng, chuỗi sản xuất tới thị trường đầu ra.

Giống xấu, sao có gạo ngon!

Theo thống kê sơ bộ của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), hiện có 365 giống lúa trong danh mục được phép sản xuất, trong đó các tỉnh phía Bắc là 189 giống. Nhưng hiện chỉ 15% giống lúa được cung ứng bởi các trung tâm, công ty giống, 25% là sản xuất nông hộ. Số còn lại, khi thu hoạch nông dân tự để dành làm giống, do đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng lúa gạo.

Trên thực tế, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết nông dân miền Bắc sử dụng giống lúa xác nhận nhiều hơn miền Nam.

Theo thống kê, chỉ có khoảng 10% lượng lúa giống ở ĐBSCL được kiểm định chất lượng trước khi bán ra thị trường. Đây là nguồn giống do các cơ quan chính thống sản xuất, còn lại là giống trôi nổi do tổ chức, cá nhân tự trao đổi với nhau, không được kiểm nghiệm cả trên ruộng cũng như sau thu hoạch.

Đáng nói hơn là mấy năm gần đây, số lượng giống lúa được các viện nghiên cứu, DN nghiên cứu, chọn tạo ra nhiều nhưng nông dân vẫn chưa được tiếp cận giống lúa mới, ở nhiều nơi, các giống lúa cũ như Khang dân 18, IR 50404 vẫn được nông dân sử dụng.

Trong số 50 giống mới được Viện Lúa ĐBSCL nghiên cứu, lai tạo thời gian qua, chỉ có 7 giống lúa được nhượng quyền tác giả cho các DN sản xuất đại trà, phân phối đến nông dân.

Theo ông Tú Anh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ, việc tồn tại quá nhiều bộ giống lúa sẽ khiến chúng ta không thể xác định được đâu là giống chủ lực cần tập trung phát triển. Vì vậy, trong Đề án Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo sắp tới, cần có định hướng giống cho từng vùng, để từ đó xác định được giống chủ lực của mỗi địa phương, các giống quá cũ, tồn tại từ lâu nên kiên quyết loại bỏ ra khỏi cơ cấu.

Đồng tình với quan điểm này, ông Định cho rằng quan điểm của Bộ NN&PTNT là thực hiện tái cơ cấu theo vùng, mỗi vùng, mỗi địa phương phải xác định được giống chủ lực.

Ví dụ, khu vực ĐBSCL sẽ tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu; miền Bắc, miền Trung phục vụ thị trường nội địa là chính và có thể sản xuất giống lúa phục vụ xuất khẩu cho những đối tượng hẹp.

Mới đây, Bộ NN&PTNT cũng đã đặt hàng các viện, trường, trung tâm, các nhà khoa học nghiên cứu, sản xuất 5 - 7 giống lúa thơm ngắn ngày, giá 600 - 800 USD/tấn.

Lý do, hầu hết lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt mức trên dưới 400 USD/tấn. Ngay cả gạo phẩm cấp thấp, chúng ta cũng vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với gạo Pakistan, Ấn Độ, Myanmar,...

Lỏng lẻo liên kết

Đồng thời, các tỉnh ĐBSCL hiện nay đã quy hoạch và đang từng bước hình thành 5 dạng hình vùng nguyên liệu phù hợp với thị trường tiêu thụ trong nước và thế giới, gồm: cánh đồng lớn canh tác giống lúa Jasmine; cánh đồng lớn canh tác giống lúa gạo trắng hạt dài chất lượng cao; cánh đồng lớn canh tác giống lúa đặc sản…

Tuy mới đang ở giai đoạn đầu tiên nhưng đây là hướng đi quan trọng nhằm chuyên nghiệp hóa cách sản xuất theo phương châm xây dựng cánh đồng một giống, liền vùng, cùng trà.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, sau khi khảo sát triển khai một số mô hình này tại nhiều địa phương cũng cho thấy “cánh đồng mẫu lớn” đang tồn tại nhiều khó khăn. Bởi liên kết vùng luôn là vấn đề muôn thủơ gây đau đầu, đặc biệt là với các tỉnh miền núi phía Bắc khi đất đai manh mún, nhỏ lẻ chính là nút thắt chính trong sản xuất nông nghiệp và đến nay vẫn chưa thể giải quyết.

“Nếu như trước đây, chưa dồn điền, một hộ có tới 12 - 14 mảnh ruộng, sau đó, tỉnh có hẳn một Nghị quyết về dồn điền đổi thửa song tới nay, vẫn còn có tới 7 - 8 mảnh ruộng/hộ. Như vậy, thử hỏi sản xuất lớn khi không đưa cơ giới hóa vào được, cũng như làm sao để tạo ra sản phẩm mang tính chất hàng hóa. Đây là khó khăn không riêng Phú Thọ gặp phải, mà còn nhiều tỉnh khác cũng đang phải đối mặt”, ông Anh cho biết.

Ngoài ra, đầu ra cho sản phẩm của nông dân cũng chưa nhận được sự hưởng ứng cao của DN. Các DN xuất khẩu lúa gạo chưa vào cuộc một cách tích cực trên các mô hình "cánh đồng mẫu lớn". Nhiều DN vẫn muốn duy trì cách thức mua lúa gạo thông qua đội ngũ thương lái... cho nên không ký hợp đồng ràng buộc trách nhiệm với nông dân.

Ðiều này chẳng những khiến nông dân chịu thiệt vì không có quyền quyết định giá, nguy cơ bị gian lận; khó cải thiện nâng chất lượng hạt gạo do lúa gom từ nhiều nguồn khác nhau về giống, độ ẩm, độ chín; mà còn không thể xây dựng được vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu, thương hiệu gạo xuất khẩu, giảm khả năng cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam trên thị trường.

Thậm chí, một số DN viện cớ để không mua lúa gạo cho người nông dân. Nông dân vẫn là nhóm yếu thế và chịu thiệt thòi nhất. Ước tính, nông dân đầu tư tới 83% giá trị nhưng chỉ hưởng lợi 53%, trong khi khâu dịch vụ chỉ bỏ ra chưa đầy 30% nhưng lại được hưởng lợi tới gần một nửa giá trị của hạt gạo.

Tuy nhiên, cũng có một số DN tích cực thu mua nhưng nguồn lực có hạn, thiếu vốn thu mua sản phẩm, đầu tư cho sấy, kho bãi. Giá lúa luôn biến động theo mùa vụ cho nên ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng liên kết tiêu thụ. Vì vậy, song song đó, cũng cần phải kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN trong quá trình xây dựng các kho dự trữ lúa gạo.

Do vậy, theo ông Anh, cần xây dựng thương hiệu gạo cho nông dân. Từ đó, định hướng xây dựng "cánh đồng mẫu lớn" là tiến tới hình thành vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, xuất khẩu và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Ông Anh cũng đề xuất cần liên kết thành các cánh đồng lớn theo phương châm cùng vùng, cùng quy trình, cùng giống… khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào lưu thông phân phối lương thực, tạo ra mối liên kết giữa hộ nông dân sản xuất lúa với hộ tiểu thương và người tiêu dùng, thúc đẩy mọi hoạt động của ngành hàng lúa gạo ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông cũng cho rằng: “Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy, cái gì có thế mạnh, có thị trường thì tập trung sản xuất chứ không nhất thiết phải giữ cho được “đất lúa” với lợi nhuận không cao”.

Như vậy, dù đạt được nhiều thành tựu nhưng ngành hàng lúa gạo cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các thị trường mới nổi. Vì thế, quan điểm của tái cơ cấu ngành là phải thay đổi tư duy sản xuất, xuất khẩu, không chạy theo số lượng nữa mà tập trung nâng cao chất lượng.

Muốn làm được điều đó phải có những giống lúa chất lượng cao, sản xuất với số lượng lớn.

Tái cơ cấu ngành trồng trọt cần phải thay đổi tư duy cũ, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết... sang sản xuất lớn, liên kết chặt chẽ các khâu, bền vững và nâng cao giá trị cho toàn thành phần trong chuỗi sản xuất. Đặc biệt, quan tâm tới thu nhập của người nông dân.

Bình luận

Viết bình luận:

Cùng chuyên mục

Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông

GPKD số: 2800142141
Địa chỉ: 274B Bà Triệu, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa
Điện thoại: 02373.729.729
Email: info@tiennong.vn
Website: www.tiennong.vn
Nhận thông tin từ chúng tôi
TOP