Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình làm việc với Công ty cổ phần công, nông nghiệp Tiến Nông NDĐT - Đẩy mạnh mô hình chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp, hướng tới mục tiêu xuất khẩu là một chủ trương phát triển kinh tế đang được tỉnh Thanh Hóa quyết tâm thực hiện. Chủ trương này được tiếp thêm sức mạnh khi có thêm lực đẩy từ nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là sự tham gia vào cuộc cùng tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn của cả hệ thống ngân hàng, từ cơ quan quản lý nhà nước tới từng tổ chức tín dụng trên địa bàn. |
Thí điểm mô hình chuỗi khép kín Công ty cổ phần công, nông nghiệp Tiến Nông là một trong số các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được giới thiệu và đã được liên Bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ và Ngân hàng Nhà nước) dự kiến đưa vào danh sách cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp. Tổng Giám đốc Công ty CP Tiến Nông kiêm Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Hồng Phong cho biết, doanh nghiệp hiện đang triển khai mô hình liên kết với nông dân để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu với số lượng lớn tại các huyện: Yên Định, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Vĩnh Lộc,… với tổng diện tích dự kiến 10.000 ha, sản xuất hai vụ/năm. Theo tính toán của ông Phong, áp dụng mô hình này sẽ làm lợi cho người nông dân khoảng 2.000 đồng cho mỗi kg thóc. “Sau một thời gian thí điểm làm thử, người nông dân rất phấn khởi vì không những tránh được hoang hóa ruộng đồng, họ còn thu lợi được từ đây và tiết giảm chi phí cho sản xuất cây lúa”, ông Phong chia sẻ. Theo phân tích của ngân hàng, tổng vốn đầu tư để triển khai dự án dự kiến là hơn 197 tỷ đồng, vốn đối ứng của doanh nghiệp hiện có là 59,3 tỷ đồng. Do vậy, doanh nghiệp ông Phong có nhu cầu cần vay thêm vốn ưu đãi từ ngân hàng là 138,2 tỷ đồng. Nắm bắt nhu cầu này, Đoàn công tác ngành Ngân hàng do Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chủ trì ngày 15-9 đã đến làm việc tại doanh nghiệp, trực tiếp khảo sát dự án, tìm hiểu những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để từ đó có giải pháp tháo gỡ hỗ trợ vốn vay giúp doanh nghiệp triển khai dự án. Tại buổi làm việc với doanh nghiệp, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định mô hình sản xuất lúa theo chuỗi liên kết khép kín áp dụng công nghệ cao như Công ty CP Tiến Nông rất phù hợp với định hướng, chủ trương cải cách, tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp mà Nhà nước đang triển khai thực hiện. Mô hình này cũng trùng với những dự án mà ngành ngân hàng đang chủ trương thí điểm triển khai nghiên cứu để tập trung đầu tư tín dụng. Do vậy, Thống đốc đề nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn chung tay cùng doanh nghiệp phân tích, tìm ra những giải pháp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, Thống đốc cũng đề nghị chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để doanh nghiệp và ngân hàng cùng tháo gỡ khó khăn, lưu thông vốn trong nền kinh tế. Trước mắt, Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh Sầm Sơn bước đầu cam kết hỗ trợ vốn vay để công ty thực hiện dự án khi công ty cung cấp đầy đủ các hồ sơ liên quan đến phương án, đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật. |