Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp xuân Quý Tỵ

Phòng HCNS 3/2/2013 2:44:57 PM

          Sáng 1/3/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Liên minh Hợp tác xã, các hội, hiệp hội doanh nghiệp, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghệ Việt Nam tại Thanh Hóa, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các doanh nhân Thanh Hóa trên khắp cả nước đã tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp xuân Quý Tỵ 2013 với chủ đề: “Chủ động nắm bắt thời cơ, vận hội mới để tái cơ cấu và phát triển bền vững”. Ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì hội nghị.
          Thay mặt Hội DNT Thanh Hóa và Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông, Ths. Nguyễn  Hồng Phong đã gửi tham luận đến Hội nghị. Sau đây là toàn văn tham luận:
          Kính thưa: Các đồng chí Lãnh đạo Tỉnh, các qúy vị đại biểu và các anh, chị doanh nhân.
          Nhân dịp đầu xuân năm mới Quý Tỵ 2013, thay mặt Hội Doanh nghiệp trẻ (DNT) Thanh Hóa, tôi xin gửi lời chúc mừng đến các đồng chí Lãnh đạo tỉnh, các quý vị đại biểu, cùng toàn thể các anh, chị doanh nhân năm mới “sức khỏe, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng”. Hội nghị thường niên gặp mặt doanh nghệp đầu xuân là một sự kiện có ý nghĩa, kịp thời động viên, khích lệ cộng đồng doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
          Kính thưa các Qúy vị Đại biểu,
          Tôi cùng các doanh nhân trong Hội DNT rất vui mừng nhận thấy trong năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tỉnh ta đã khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng. Sự kiện khánh thành Cảng hàng không Thọ Xuân và Lễ ký kết hợp đồng EPC dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn là thời cơ, dấu ấn quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hôm nay, nhân dịp Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp đầu xuân, tôi xin được trao đổi ba vấn đề liên quan đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Thanh Hóa cũng như phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
          1. Phát triển kinh tế nông nghiệp.         
          Phát huy lợi thế của tỉnh để phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nâng cao giá trị và sản lượng nông sản.
          Nông nghiệp được tỉnh ta xác định là ngành kinh tế trọng điểm nên đã tập trung chỉ đạo quyết liệt. Tôi cho rằng ngành nông nghiệp cần tiếp tục được quan tâm chỉ đạo phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao một cách toàn diện. Để thực hiện được mục tiêu đó, bên cạnh những nhiệm vụ, giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện, tôi xin nhấn mạnh hai nhiệm vụ sau đây:
          - Tập trung đầu tư xây dựng 02 Khu nông nghiệp công nghệ cao tại vùng đặc thù nông nghiệp gắn với hai loại cây trồng chủ lực của tỉnh là cây lúa và cây mía. Khu Nông nghiệp công nghệ cao là vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch, được ứng dụng công nghệ cao trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất, đồng thời là nơi triển khai các nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong và ngoài nước vào sản xuất. Các Khu nông nghiệp công nghệ cao phải gắn với một đến hai doanh nghiệp được tỉnh lựa chọn và kêu gọi liên kết thực hiện. Những doanh nghiệp công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp như công ty Tiến Nông rất mong chờ được tham gia trong chương trình này của tỉnh.
          - Muốn có nông nghiệp công nghệ cao thì các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp phải làm ra những sản phẩm ứng dụng công nghệ cao để đưa vào sản xuất. Phân bón, máy nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, quy trình kỹ thuật... đều là những sản phẩm có thể ứng dụng công nghệ cao đưa vào quá trình sản xuất, sau đó khép kín đến khâu thu hoạch và bảo quản. Điều này, ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp, tỉnh cũng cần định hướng, theo dõi, kiểm tra và lựa chọn những sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
          Nhiều mô hình nông nghiệp tại tỉnh ta trong những năm qua cho thấy: chỉ riêng việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và bón phân theo quy trình kỹ thuật đã giảm chi phí sản xuất mỗi kg lúa từ 200 đến 400 đ. Với diện tích và sản lượng lúa của cả tỉnh hàng năm, con số tiết kiệm được là không nhỏ. Cơ giới hóa, có thể gọi là một ứng dụng công nghệ cao không những giúp thay thế sức lao động thủ công mà còn nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tiết kiệm chi phí và là xu hướng tất yếu trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Hình ảnh các đồng chí lãnh đạo tỉnh lái máy cấy trong lễ hội xuống đồng những năm gần đây đã cho thấy quyết tâm của tỉnh trong việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Nhân buổi gặp mặt này, tôi cũng xin kiến nghị tỉnh cần quan tâm hơn nữa thông qua việc ban hành cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ nông dân mua máy móc nông nghiệp. Đây là thời điểm thích hợp để đẩy việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trở thành một phong trào sâu rộng trong sản xuất.
          2. Đẩy mạnh thu hút đầu tư về nông thôn.        
          Nông thôn là địa bàn có nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác, phát huy hết như: giá thuê đất và lực lượng lao động giá thấp hơn thành thị. Trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư về nông thôn đã khai thác lợi thế này như Tổng Công ty Tiên Sơn, Công ty TNHH may mặc XK Appareltech Vĩnh Lộc... Đầu tư về nông thôn còn đặc biệt có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phục vụ nông nghiệp vì nông thôn vừa chính là “nhà máy” đồng thời là “thị trường”.
          Việc đưa nhà máy về nông thôn cũng sẽ thu hút lực lượng lao động trẻ mà lâu nay đang phải vào Miền Nam hay đi xuất khẩu lao động quay trở về làm việc xây dựng quê hương.
          Tuy nhiên, muốn thu hút các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, trước hết tỉnh cần ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi; quan tâm đầu tư hệ thống giao thông, hệ thống tín dụng và đơn giản hóa thủ tục hành chính để nông dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận; trong đó, vay vốn ưu đãi là một trong những chính sách doanh nghiệp rất quan tâm.
          3. Tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) và Khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh và quản lý.
          Tôi cho rằng năm 2013, các doanh nghiệp cần tiếp tục thận trọng trong việc quyết định đầu tư, đồng thời phải coi trọng ứng dụng CNTT, coi đây là nền tảng giúp các chủ doanh nghiệp nắm bắt và điều hành sát sao hơn, khách quan hơn và dễ dàng hơn trong khi cần ít nhân sự hơn.
          Các DNT Thanh Hóa đã trải qua một năm thực sự khó khăn, doanh số bán hàng giảm sút, thị trường co hẹp, trong khi giá cả tăng khiến chi phí đầu vào tăng cao. Điều đó, ngoài nguyên nhân khách quan do tác động của bối cảnh kinh tế chung, còn có nguyên nhân chủ quan từ các doanh nghiệp đã được xem xét kỹ để có giải pháp khắc phục. Các chủ DNT nhận thấy năng lực lãnh đạo, trình độ quản lý còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc quản lý, điều hành còn chưa theo kịp với những thay đổi liên tục. Bên cạnh đó với thời gian hoạt động còn ngắn, vốn ít và kinh nghiệm còn thiếu nên càng dễ bị ảnh hưởng trước khủng hoảng. Trong tình hình đó, CNTT có thể là một công cụ hữu hiệu để giải quyết vấn đề này.
          Cùng với CNTT, các lĩnh vực khoa học công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ và đặc biệt ngày càng dễ tiếp cận. Đó là điều kiện rất thuận lợi và là cơ hội để các doanh nghiệp trẻ có thể tranh thủ nhằm phát triển nhanh, bền vững.
          Với sức trẻ và bản lĩnh của doanh nhân xứ Thanh, với sự hỗ trợ và tạo điều kiện của tỉnh, các DNT Thanh Hóa cũng đã nỗ lực không ngừng để đứng vững trước khó khăn, từ đó vươn lên sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Trong năm qua, nhiều diễn đàn, tọa đàm, hội thảo, nói chuyện chuyên đề đã được Hội DNT Thanh Hóa kết hợp với các cơ quan, tổ chức, hiệp hội và nhiều chuyên gia tổ chức thành công, góp phần không nhỏ vào việc thay đổi tư duy của các chủ DNT, từ đó áp dụng vào thực tế tại doanh nghiệp của mình. Chúng tôi đã quyết tâm với phương châm: Hội DNT Thanh hóa – nơi hội tụ tài năng và trí tuệ kinh doanh.
          Tại Hội nghị này, tôi một lần nữa khẳng định lại, niềm đam mê chân chính và khát vọng cháy bỏng là điều mà mỗi một chủ DNT cần có để thành công.
          Trên đây là ba vấn đề tôi xin được trao đổi cùng Qúy vị đại biểu trong buổi gặp mặt đầu Xuân hôm nay. Ngoài ra, nhân dịp này tôi cũng xin được kiến nghị thêm với tỉnh một số vấn đề sau:
          - Tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn; xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, đặc biệt là những vấn đề doanh nghiệp quan tâm hàng đầu như chính sách ưu đãi về thuế và vay vốn.
          - Tỉnh quan tâm và tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, hạ tầng các khu công nghiệp và đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khi triển khai các dự án đầu tư.
          Một lần nữa xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Quý đại biểu và doanh nhân sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
          Xin trân trọng cám ơn!

Tags: Tham luận

Bình luận

Viết bình luận:

Cùng chuyên mục

Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông

GPKD số: 2800142141
Địa chỉ: 274B Bà Triệu, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa
Điện thoại: 02373.729.729
Email: info@tiennong.vn
Website: www.tiennong.vn
Nhận thông tin từ chúng tôi
TOP