Hội thảo "Định hướng nghiên cứu phát triển mía đường bền vững ở Việt Nam"

Hòa Nguyễn - Thanh Ba 11/1/2014 8:05:27 PM

Ngày 29/10, tại TP.HCM, Viện KHNN Việt Nam đã phối hợp với Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Viện KHKTNN Miền Nam và Viện Nghiên cứu Mía đường tổ chức hội thảo “Định hướng nghiên cứu phát triển mía đường bền vững ở Việt Nam”.

Chủ trì Hội thảo TS Nguyễn Như Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường (Bộ NN&PTNT), PGS.TS Trịnh Khắc Quang - Quyền GĐ Viện KHNN Việt Nam, Ông Đỗ Thành Liêm - Phó chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, TS. Nguyễn Đức Quang - Viện trưởng Viện nghiên cứu Mía đường; ngoài ra Hội thảo còn có sự tham dự của các đại biểu đến từ các cơ quan nghiên cứu và quản lý, sở Nông nghiệp&PTNT, hiệp hội, các Công ty, hộ nông dân sản xuất mía nguyên liệu quy mô công nghiệp. Đoàn đại biểu Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông do Ông Đỗ Minh Thủy - Phó tổng giám đốc dẫn đầu cũng đã đến tham dự và đóng góp ý kiến tại hội thảo.

Hội thảo đã đặt ra hai vấn đề lớn của ngành Mía đường hiện nay là trữ đường, năng suất và tầm nhìn quản lý vĩ mô. PGS.TS Trịnh Khắc Quang - Quyền GĐ Viện KHNN Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện đứng trong nhóm 10 nước có diện tích trồng mía lớn nhất thế giới. Tuy nhiên năng suất mía của Việt Nam (64,7 tấn/ha) chỉ cao hơn năng suất của Pakistan, Indonesia và thấp hơn nhiều so với các nước khác như Mỹ (75,41 tấn/ha), Brazil (74,3 tấn/ha), Thái Lan (74,23 tấn/ha)…

PGS.TS Trịnh Khắc Quang đặt ra các vấn đề về năng suất, trữ lượng đường

Do năng suất mía và trữ đường thấp nên năng suất đường của Việt Nam cũng thấp hơn so với các nước trong khu vực. Niên vụ 2013/2014, năng suất đường của Việt Nam là 5,47 tấn/ha; của Philippines là 5,77 tấn/ha; Trung Quốc 7,62 tấn/ha; Thái Lan 8,07 tấn/ha; Úc 11,8 tấn/ha… Bởi vậy, giá thành đường của Việt Nam luôn đứng vào hàng cao nhất thế giới. Trong niên vụ 2013/2014, giá thành đường Việt Nam là 11.000-13.000 đ/kg trong khi giá thành thế giới 9.800-10.200 đ/kg.

TS Nguyễn Như Cường phát biểu tại hội thảo

Từ góc độ quản lý nhà nước, TS Nguyễn Như Cường thừa nhận rằng ngành mía đường chưa được quan tâm, đầu tư nghiên cứu đúng mức. Công tác chuyển giao tiến bộ KH-KT mía đường còn hạn chế. Các nghiên cứu về chế độ dinh dưỡng, sinh lý cây mía còn chưa có hoặc chưa đầy đủ. Ngoài ra, nếu không cơ giới hóa được thì cũng sẽ không gia tăng hiệu quả cho sản xuất mía đường. Để giải quyết triệt để những vấn đề của mía đường hiện nay, rất cần sự đồng hành của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và mía đường nói riêng.

Ông Đỗ Minh Thủy-Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông phát biểu tại hội nghị

Đồng tình với ý kiến của TS Nguyễn Như Cường, ông Đỗ Minh Thủy - Phó Tổng GĐ Công ty Tiến Nông cho biết, trong những năm qua công ty Tiến Nông đã thực hiện nhiều nghiên cứu, khảo sát đặc tính cây mía, đất trồng mía ở nhiều vùng trên cả nước, nhằm đưa ra giải pháp đồng bộ cho hiện trạng năng suất thấp, trữ đường thấp của cây Mía. Kết quả là bộ sản phẩm dinh dưỡng cây trồng cho Mía bao gồm: Chất điều hòa pH đất, Mía 1- chuyên lót, Mía 2 - chuyên thúc ra đời và được bà con các vùng trồng mía nguyên liệu trong cả nước đánh giá rất cao, tăng năng suất, trữ đường, tiết kiệm chi phí và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, Ông  Thủy cho biết thêm để thực sự hướng tới sự phát triển bền vững cho ngành mía đường, các viện khoa học, cơ quan nhà nước cần chủ động liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành mía nói riêng và nông nghiệp Việt Nam nói chung.

Bình luận

Viết bình luận:

Cùng chuyên mục

Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông

GPKD số: 2800142141
Địa chỉ: 274B Bà Triệu, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa
Điện thoại: 02373.729.729
Email: info@tiennong.vn
Website: www.tiennong.vn
Nhận thông tin từ chúng tôi
TOP